Sunday, August 07, 2005

Nguyễn Hoàng Phương - một đời khám phá đến cùng

Trước khi từ trần 9 ngày, ông còn mang tặng chúng tôi tờ phác thảo những ý định tiếp tục của công trình, làm giữa những cơn đau tim phải đi cấp cứu. Giữa các trang sách, nhiều lần ông nói rằng ông không đủ thời giờ biên soạn cho sáng tỏ và phổ thông hơn, nhưng ông tin thế hệ trẻ sẽ biết cách tiếp nối. Ông mất vào 21 giờ ngày 24.3.2004, trước kỷ niệm lần thứ 77 ngày sinh của ông ba ngày.

Năm 1948 trong Đội Tuyên truyền xung phong Quảng Nam - Đà Nẵng, do nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm đội trưởng, có một thanh niên thông minh xuất chúng, tiếng tăm lên đến tận Khu uỷ Liên khu Năm. Đó là Nguyễn Hoàng Phương, ở bên Biệt động đội dân quân chuyển sang. Ông Trần Đình Thi - Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu Năm - cho người điều tra tận nơi, sau đó quyết định cho Nguyễn Hoàng Phương ra Nghệ An học. Lại được học đúng ngay thầy Nguyễn Thúc Hào dạy giỏi nổi tiếng. Chương trình cấp Ba phải 3 năm, anh học đúng một năm, tốt nghiệp với môn toán đại cương. Vừa học vừa làm gia sư kiếm ăn. Năm 1951 được tuyển sang Nam Ninh - Trung Quốc học thầy Lê Văn Thiêm và các thầy khác về khoa học cơ bản.

Năm 1954 về thủ đô, được thầy Tạ Quang Bửu đưa vào giảng dạy toán tại trường đại học. Năm 29 tuổi đã trở thành Chủ nhiệm khoa Vật lý tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là một tài năng thiên bẩm được cách mạng phát hiện và đào tạo.

Nguyễn Hoàng Phương là tác giả của hàng loạt giáo trình và sách nghiên cứu vật lý: Cơ lý thuyết; Hoá lượng tử trên cơ sở tích hợp toán, lý, hoá; Xử lý tín hiệu rời rạc; Toán tập mờ cho kỹ sư; Lý thuyết nhóm và ứng dụng vào vật lý lượng tử... Tuy nhiên, cái nội lực tinh thần và ngọn lửa sáng tạo của ông chỉ thực sự bùng lên khi ông bắt tay vào những công trình khám phá nhằm tìm hiểu cái thế giới bí ẩn và huyền diệu của con người, bắt đầu từ trường sinh học, rồi đến những triết thuyết phương Đông về âm dương, về Kinh Dịch mà ông coi là một khoa học siêu thống nhất có thể soi tỏ những câu hỏi muôn thuở về con người.

... Ông phát hiện ra một công cụ khám phá là tích hợp đa văn hoá Đông Tây, có nghĩa là liên kết những khoa học duy lý của phương Tây và minh triết của phương Đông, tìm ra những bài toán vừa có cái hiện đại, vừa có cái cổ sơ, có thể giải mã Kinh Dịch, hơn thế còn sáng chế lại Kinh Dịch vì nó đã trải qua nhiều nghìn năm không khỏi bị thất truyền.

Là hàng xóm của ông, lại được ông coi như người bạn tâm đắc, chúng tôi được chứng kiến ông trong từng bước đi tìm tòi và biết thế nào là gian khổ, truân chuyên trong khám phá, nhất là bước chân vào cái thế giới còn mù mờ, người ta rất ham biết mà cũng sẵn sàng ngờ vực. Vui mừng đấy mà cô đơn đấy. Nhưng niềm tin ở chân lý, ở công cụ mà ông cho là kỳ diệu và phương pháp luận mà ông cho là đúng đắn vẫn lôi cuốn ông. Và tất cả những công việc to lớn mênh mông này lại được khởi sự khi tuổi đã xế chiều.

Xế chiều mới loé sáng. Ông đã đặt được viên đá tảng đầu tiên trong việc nghiên cứu chiều sâu văn hoá phương Đông, của vũ trụ, nhân sinh, với công trình mang tên Tích hợp đa văn hoá Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai, giới thiệu mối liên quan giữa toán tập mờ hiện đại với Kinh Dịch.

Sách in hai lần vào năm 1995 và 1996, khổ 19 x 27cm, lần trước hơn 800 trang, lần sau có bổ sung dày 1.182 trang. Có thể đa số người đọc - trong đó có tôi - còn lạ lẫm và bỡ ngỡ, nhưng trước mắt chúng tôi lấp lánh một hiện tượng hấp dẫn: Cái học thuật cổ xưa của phương Đông lại gặp gỡ phép toán hiện đại của phương Tây; những ký hiệu âm dương, ngũ hành nằm chung với ký hiệu toán tập mờ. Dường như cuốn sách đã tập hợp cả loài người cùng nhau khám phá những bí ẩn của vũ trụ, nhân sinh.

Những năm đầu thế kỷ này, ông sử dụng tất cả sức lực cuối cùng đặt viên đá tảng thứ hai mang tên Minh Triết và Duy Lý, công trình dày hơn nghìn trang A4, khám phá sự gặp gỡ nhau giữa tám quẻ Dịch và phép toán cao cấp đại số tám chiều, từ đó nhờ ghép toán đại số mà giải mã tìm ra những sai lệch do thất truyền và những khả năng ứng dụng mới mẻ của Kinh Dịch. Ông ra đi một cách thanh thản ngay trên đường đi đến bệnh viện. Một cuộc đời khám phá không ngừng nghỉ, khám phá đến cùng kiệt. Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương biết trước cái chết của mình và coi đó chỉ là một bước đi vào một cuộc sống mới.

No comments: