Sunday, August 07, 2005

Tôn Thất Bách - người trí thức của nhân dân

Tin ông đột ngột từ trần tại Lào Cai làm xúc động nhiều anh chị phóng viên, biên tập viên Báo LĐ - nơi tôi đang công tác. Vội đến gia đình ông ở phố Lê Thánh Tông (Hà Nội) đã thấy hàng trăm sinh viên và người dân tụ tập trước cổng. Hơn 20 năm trước tang lễ cha ông - GS Tôn Thất Tùng - cũng hàng nghìn người đi theo linh cữu... Họ tới đây chung niềm đau, niềm biết ơn trước sự ra đi của một trí thức lớn, mà cuộc đời và sự nghiệp đã thuộc về nhân dân.

Quy luật của cuộc sống nghiệt ngã làm sao, khi đang còn bề bộn công việc, ông lại lặng lẽ về trời. Cái hữu hạn của đời người thật vô lý trước những tấm lòng của bao người còn trông đợi vào ông.

Trước khi trở thành một bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng, trước khi được công nhận là PGS, là viện sĩ, là tiến sĩ danh dự của những trung tâm y khoa hàng đầu, những viện hàn lâm lớn trên thế giới, ông đã là một bác sĩ nội trú "đặc biệt" ở BV Việt Đức. Đặc biệt là ở chỗ, ngày đó, bố ông "bắt" ông ăn ở trong BV 24/24 tiếng hàng ngày, ăn tập thể và... mổ xẻ, chăm sóc người bệnh. Có lẽ đó là những bài học đầu đời vô cùng quý giá, để ông tự xây đắp một tấm lòng cảm thông sâu sắc với những người nghèo khổ, để ông luôn rộng mở lòng mình với các thế hệ học trò của ông, từ ngày ông giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Với cả hai cương vị - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Hà Nội và Phó GĐ, rồi Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - một trung tâm đào tạo, một trung tâm ngoại khoa lớn của cả nước, cùng với những đồng nghiệp, học trò cũ của thầy Tùng, ông đã xây dựng một đội ngũ bác sĩ phẫu thuật giỏi chuyên môn, giỏi tổ chức, và hơn cả là gìn giữ một phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức thật trong sáng (ông là người hoàn chỉnh một cách có hệ thống kỹ thuật cắt gan theo phương pháp Tôn Thất Tùng và xây dựng một êkíp phẫu thuật các bệnh tim mạch không thua kém gì các nước tiên tiến...). nhưng hiếm có một người lãnh đạo nào vừa rất nghiêm khắc trong chuyên môn lại vừa đầy cảm thông trong ứng xử với đồng nghiệp, với học trò như ông vừa có thể nói cặn kẽ với một chủ nhiệm khoa trong BV về kỹ thuật mổ xẻ mới, cũng vừa biết cặn kẽ cảnh ngộ của một cô hộ lý...

Ở đỉnh cao khoa học và cũng sâu sát từng cảnh ngộ trong cuộc sống đời thường - là phẩm chất vẹn toàn vô song của ông. Dường như trời đã cho ông quá ít thời gian để thực hiện được biết bao cho ý đồ tốt đẹp của mình, được sống riêng cho mình. Ông là người thuộc về số đông, khảng khái cất lên tiếng nói thay mặt nhân dân. Trong các kỳ họp Quốc hội, mỗi khi thấy ông đứng lên phát biểu - tôi tin là hầu như bất kỳ người dân nào theo dõi trên tivi cũng đều tin rằng ông đang thay mặt họ để nói điều đúng, lẽ phải.

Dành cho mọi người là nhiều thế, cũng vì thế, ông thật đau lòng trước những thói hư tật xấu ngoài xã hội, những trở ngại ngay trong cơ chế đang cản con đường đi tới đổi mới của Đảng, Nhà nước...
Chẳng khác gì buổi trưa nào hơn hai mươi năm trước. Trưa ngày 27.3.2004, trước cửa căn nhà của gia đình ông, một gia đình lớn với nhiều thế hệ. Hàng trăm người đang im lặng đứng chờ. Đồng nghiệp, bè bạn, học trò của ông, bệnh nhân... hay tin dữ đã tề tựu cả. Ai cũng nghẹn ngào như muốn nói với nhau rằng: "Sao những người tốt lại đi nhanh như vậy?".

PGS, Nhà giáo Nhân dân Tôn Thất Bách
Sinh ngày: 25.2.1946.
- Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Văn hoá Xã hội. - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. - Giám đốc BV Việt Đức. - Viện sĩ Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris (CH Pháp). - Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Y và Luật khoa Lille (Pháp).- Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Odessa-Ukaraina. - Huân chương Lao động hạng Ba.

No comments: