Tuesday, August 09, 2005

Vĩnh biệt GS Trần Quốc Vượng: Người thầy thông tuệ

(VietNamNet) - Bao nhiêu dự định của thầy chưa hoàn kết? Bao nhiêu lứa học trò trông chờ ý kiến nhận xét của thầy về những công trình văn hoá học, dân tộc học, nhân học hoặc chỉ một vài chi tiết thuộc về sử liệu trong một bài báo nhỏ? Tất cả đã trở thành dang dở, người thầy thông kim bác cổ có tên gọi giản dị, quen thuộc là Trần Quốc Vượng đã nhẹ gót trần ai bước vào cõi tĩnh mịch vĩnh hằng vào lúc 2h55' sáng nay, 8/8.

Soạn: AM 509366 gửi đến 996 để nhận ảnh này

GS Trần Quốc Vượng

Sinh thời, có lần ông nói: "Theo khoa Tử vi học, số phận tôi là “ngọn lửa đầu non” (Sơn đầu hoả) và thân phận tôi là dịch chuyển (Thân cư thiên di ). Tôi xuất thân trong một gia đình công chức, bố tốt nghiệp cao đẳng Canh nông, mẹ là nội trợ, tôi đứng cuối của hơn một chục anh chị em.

Do mẹ và bố có trục trặc nên mẹ thường đem tôi về quê ngoại và rong chơi khắp nơi, một tuổi tôi đã có mặt ở Sài Gòn và Nam Vang. Phải chăng, vì thời thơ ấu tôi đã rong chơi như thế mà cho đến hôm nay cuối mùa Thu của cuộc đời, tôi luôn thích và phải suốt tháng suốt năm rong ruổi khắp nước từ Cao Bằng - Lạng Sơn biên giới Việt - Hoa phía bắc đến Cà Mau, Côn Đảo phía nam và lang thang khắp Á - Âu - Mỹ - Úc. Một người bạn đồng nghiệp trẻ đã phác tính rằng, trong một năm tôi chỉ ở Thủ đô Hà Nội khoảng trăm ngày, còn hai trăm rưởi ngày khác tôi đi...”

GS Trần Quốc Vượng:

Sinh ngày 12/12/1934 tại Kinh Môn, Hải Dương. Năm 1956, ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử - Địa trường Đại học Văn khoa Hà Nội, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ông đã học một khoá học về khảo cổ vào 1959-60, và cùng với GS Hà Văn Tấn (Viện trưởng Viện Khảo cổ học hiện nay), trở thành những người khởi nguồn cho lịch sử khảo cổ học VN. Năm 1980 ông được phong hàm Giáo sư. Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học; giám đốc Trung tâm liên văn hoá ĐH Tổng hợp Hà Nội; Trưởng môn Văn hoá học, ĐH Quốc gia Hà Nội. Đồng thời từ năm 1989 ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chủ nhiệm CLB Văn hoá ẩm thực Việt Nam, Phó chủ nhiệm CLB Nghề truyền thống Viêt Nam, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội từ năm 1976. GS Vượng còn là Chủ tịch đầu tiên của Hội Sử học Hà Nội.

Những điều mắt thấy tai nghe và những chuyến điền dã sâu sát trên thực địa đã tạo thêm sự phong phú sinh động cho những trang viết của ông. Hơn 40 năm qua ông đã viết hàng trăm bài nghiên cứu đăng ở các báo và tạp chí trong và ngoài nước, và xuất bản chừng hơn 30 đầu sách gồm đủ các thể loại: từ giáo trình sử, khảo cổ học, sách nghiên cứu văn hoá, con người thú vui...

Năm 1960, ông phiên dịch, chú giải Việt sử lược - bộ sách lịch sử vào loại xưa nhất do người Việt Nam viết còn lưu truyền được đến ngày nay; năm 1973 chủ biên bộ Danh nhân Hà Nội 2 tập; năm 1975 cùng Vũ Tuân Sán viết Hà Nội ngàn xưa; năm 1976 cùng Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ viết Mùa xuân và phong tục Việt Nam.

Ngoài ra ông còn biên soạn các sách giáo khoa: Cơ sở khảo cổ học, Cơ sở văn hoá học, Lịch sử Việt Nam và một số sách chuyên môn như: Theo dòng lịch sử (1995); Việt Nam, cáí nhìn địa văn hoá (1998). Năm 2000 NXB Văn học in Văn hoá Việt Nam- tìm tòi và suy ngẫm của Trần Quốc Vượng. Tập sách 1.000 trang tập hợp 74 bài viết của ông đã được tái bản năm 2003.

Bệnh trọng đã lâu nhưng những ai gặp thầy trong những bước chậm chạp cuối cùng đến trước tử thần cũng đều nhận thấy ý thức của thầy vẫn thông tuệ và nụ cười vẫn hóm hỉnh, kiêu bạc như biết rõ mình sẽ đi đến đâu trong vòng trời đất chật hẹp này. Tri túc, Tri thiên mệnh là thế chăng? Thế gian nhược đại mộng là thế chăng? Một cõi phù sinh nhưng nhờ có nó mà con người trở nên cao lớn hơn, gần với sự thật vĩnh cửu hơn.

Lại nói về sự thật, thầy Trần Quốc Vượng thường khai tâm đám học trò bằng câu nói kinh điển rất tây học: Sự thật không làm vinh dự cho bất cứ ai, kể cả những vĩ nhân của nhân loại. Ngay sau đó thầy giảng thêm bằng một câu ca dao nhặt được qua những chuyến đi điền dã: Chân mình dính phẩn dề dề / Lại toan đốt đuốc mà rê chân người. Học biết sự thật không phải là để lên mặt cao ngạo với đời.

Không hài lòng với lối nói hươu nói vượn, nói như sách mà không hiểu bản chất vấn đề của lũ học trò quen thói gạo bài lấy điểm, thầy Vượng mắng ngay: Không cần viết nhiều, nói nhiều đâm ra lải nhải cả lũ. Các ông, các bà hãy cho tôi biết các ông, các bà định nói về cái gì? Tại sao nó là thế này mà không phải là thế kia? ý nghĩa của nó là gì vậy?. Nói đúng, tôi cấp bằng cho các ông, các bà ngay, nói sai thì...về mà đi cày!

Dường như nói thế chưa đủ độ, thầy còn cho thêm một ít sự thật nữa để lũ học trò mở rộng tầm mắt. "Tôi hỏi các ông, các bà rằng, thì, mà, là như sau: Đem cái đề tài ngôn ngữ văn học Mường sang tít bên Gruzia để bảo vệ luận án tiến sĩ thì sao mà không đỗ cho được? Tiếng Mường nói không tròn, tiếng Nga thì nhí nhố, hai thứ hầm bà lằng đó có ma nó hiểu! Bố ai mà phản biện được?".

Soạn: AM 509360 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS Trần Quốc Vượng

Đám học trò thích thầy Vượng không chỉ bởi khối lượng kiến thức uyên bác, những kiến giải độc đáo, bất ngờ mà chủ yếu thích nghe cách thầy giảng bài vượt ra khỏi mọi quy phạm. Uống vài chén rượu ngang nút lá chuối khô, mặt đỏ chuếnh choáng lên rồi là lúc thầy nói hay nhất, nhiều sự thật nhất từ chuyện kỳ thư ngoại thuyết, dã sử, tử vi tướng pháp đến chính sử, văn học sử, văn hoá địa vv...

Có lần đến nhà Thầy xin một lời nhận xét về cái cổng làng, vợ trẻ của thầy đi vắng nên thầy vui lắm. Thầy hỏi: Mày có hút thuốc không, mày có biết uống rượu không? Món nào trò cũng thạo, thế là hai thầy trò thi nhau nhả khói, thi nhau nâng chén...Thầy bảo: Bọn bác sĩ nói bậy cả đấy! Nói sai sử, nói sai sự thật còn...chưa chết thì uống rượu, hút thuốc chết thế đếch nào được?..."

Con người vốn lớn tiếng bậc nhất trong nhiều vấn đề khoa học, từng tự nhận mình là "mõ làng" trong giới khoa học ở HN, sau cùng lại gục ngã vì căn bệnh quái ác, ung thư thực quản. Căn bệnh kịch phát vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán vừa qua và khi được phát hiện nó đã ở giai đoạn cuối. Vào thời điểm đó, con gái của GS cũng qua đời vì căn bệnh ung thư; nỗi đau đó đã khiến ông suy sụp nhanh hơn.

No comments: